Tất cả đều được tái hiện qua bàn tay tài hoa của họa sĩ "made in Vietnam" đấy các bạn ạ!Bạn yêu thích các câu chuyện thần thoại, cổ tích và lịch sử Việt Nam nhưng lại quá nhàm chán với những cuốn truyện chỉ toàn chữ, hoặc nếu có thì cũng chỉ là những hình vẽ đơn điệu trên giấy? Vậy thì hãy cùng chúng tớ đến với bộ sưu tập đồ họa cực ấn tượng dưới đây và tìm hiểu về các nhân vật anh hùng trong thần thoại, cổ tích, lịch sử Việt Nam theo cách hoàn toàn mới nhé!
Cuộc ác chiến của Thạch Sanh với đại bàng tinh dưới hang sâu.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt.
Tất cả các tác phẩm được làm từ digital art (nghệ thuật số - thuật ngữ dùng cho các tác phẩm được “nhào nặn” bởi công nghệ kỹ thuật số hiện đại thay vì phương pháp vẽ tay truyền thống).
Một bức vẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy.
Cái chết đầy bi tráng của người anh hùng Từ Hải.
Để giúp các tác phẩm mang màu sắc theo kiểu “hàn lâm cổ điển”, tác giả đã mang cảm hứng tranh sơn dầu hòa vào nghệ thuật digital. Do vậy, các tác phẩm digital art này khá giống tranh sơn dầu truyền thống. Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của nhiều họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng nên bạn có thể để ý thấy, các tác phẩm luôn chú trọng đến yếu tố chuẩn xác, chỉn chu về giải phẫu học, ánh sáng và bố cục.
Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đánh tan giặc Ân xâm lược.
Điều mà tác giả lưu tâm nhất khi bước vào sáng tác một tác phẩm trong bộ sưu tập này là sự cân đối giữa tính xác thực và yếu tố hư cấu. Nếu muốn bám sát lịch sử thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu, khiến tranh trở nên khô khan, thiếu sinh động. Ngược lại, nếu hư cấu quá nhiều sẽ khiến tác phẩm trở nên khó tin và không có chiều sâu.
Tuồng cổ.
Chi tiết tác phẩm.
Để mỗi bức vẽ đều đảm bảo tính chân thực về lịch sử, họa sĩ của các tác phẩm này đã phải bỏ ra rất nhiều công sức tìm kiếm tư liệu liên quan. Và khoảng thời gian ấy đôi khi gấp nhiều lần thời gian vẽ. Tuy nhiên, do nguồn tư liệu bằng hình ảnh của Việt Nam còn có nhiều hạn chế nên ngoài việc tìm tư liệu, tác giả còn phải suy nghĩ nhiều về thiết kế để tạo nên những yếu tố hư cấu song vẫn có cơ sở về lịch sử.
Lạc Long Quân chiến đấu với quái vật thuồng luồng...
… và dũng mãnh tiêu diệt cáo chín đuôi. Hai yếu tố tả thực và hư cấu kết hợp với nhau rất ăn ý trong từng bức vẽ.
Những bức vẽ này được sáng tác theo nhiều quy trình khác nhau. Tuy vậy, cách tác giả hay sử dụng nhất là phác mảng đen trên nền trắng trước, sau đó phủ một lớp màu trung gian lên toàn bộ. Cuối cùng, sẽ đi chi tiết trong từng vùng sáng tối. Đây là cách làm nhanh nhất và dễ kiểm soát được tổng thể bức tranh. Quá trình hoàn thành mỗi bức vẽ như thế này thường mất khoảng 10 - 15 tiếng.
Quy trình sáng tác một tác phẩm.
Lê Lợi trả lại gươm báu cho Rùa thần trên hồ Hoàn Kiếm.
Những dũng sĩ thời Trần với tinh thần “Sát thát” - quyết sống mái với giặc Nguyên xâm lược.
Một bức vẽ rất chi tiết và sống động mô phỏng trận chiến sống còn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong cuộc đấu giành nàng Mỵ Nương.
Mỗi chi tiết đều được thể hiện rất tỉ mỉ và ấn tượng phải không nào?
Bộ tranh về các anh hùng sử Việt không chỉ thể hiện lòng tự hào đối về văn hóa dân tộc, mà đó cũng là một cách để giới trẻ cảm thấy hứng thú, dễ dàng tiếp cận những đề tài tưởng đã rất xưa cũ và quen thuộc với góc nhìn khác, hiện đại và phong phú hơn. Với phương tiện sáng tác hiện đại như sự bùng nổ với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, hiệu ứng lan tỏa của tác phẩm sẽ mạnh hơn rất nhiều.
An Dương Vương.
Một bức vẽ khác mô tả Từ Hải sừng sững giữa trận mưa tên của quân Hồ Tôn Hiến.
Trần Quốc Toản - chàng thiếu niên mười sáu tuổi với tấm lòng sục sôi nhiệt huyết “phá cường địch, báo hoàng ân”.
Chân dung tác giả - họa sĩ Phan Vũ Linh.